Trong Cải cách ruộng đất Nguyễn_Thị_Năm

Án trạng và đấu tố

Khi Cuộc cải cách ruộng đất triển khai vào năm 1953, những hành động yêu nước của Nguyễn Thị Năm bị cố vấn Trung Quốc cho là "giả dối nhằm chui sâu, leo cao vào hàng ngũ cách mạng để phá hoại."[10] và bà trở thành địa chủ đầu tiên bị đem ra "xử lý"[7]. Bà bị lên án với tội danh "tư sản địa chủ cường hào gian ác".[6]

Theo hồi ký Trần Huy Liệu, lúc đó là uỷ viên Thường trực Quốc hội, thanh tra Cải cách Ruộng đất tại Thái Nguyên, thì cuộc đấu tố bà Năm được tổ chức ngày 22 tháng 5 năm 1953, với sự tham dự của gần 1 vạn người dân địa phương. Cũng theo ông Liệu, hai con trai của bà Năm lúc đó cũng bị đấu tố.[11]

Vụ án

Sau những cuộc đấu tố với đủ các thứ tội ác được người dân địa phương gán ghép, bà đã bị đem ra xử bắn ở Đồng Bẩm, tỉnh Thái Nguyên vào 29 tháng 5 âm lịch (tức 9 tháng 7) năm 1953[7] và được báo chí đương thời coi là phát súng hiệu cho một cuộc vận động "long trời lở đất"...[3]

Bà Năm bị đem ra trước công chúng đấu tố ba lần trước khi đem xử bắn.[12]

Trong hồi ký Giọt nước trong biển cả, Hoàng Văn Hoan cho rằng Ủy ban Cải cách ruộng đất tại địa phương “… tự cho phép các đội Cải cách ruộng đất được bắn vào địa chủ gian ác để nâng cao khí thế nông dân. Việc bắn địa chủ mở đầu từ Thái Nguyên (Nguyễn Thị Năm) sau lan tràn đi nhiều nơi, được dân chúng các địa phương coi là một phương pháp tốt, để nâng cao uy thế của nông dân.[13]

Theo Hoàng Tùng viết trong hồi ký Những kỷ niệm về Bác Hồ thì: Thấy cố vấn Trung Quốc bảo phải xử tử Nguyễn Thị Năm, Hoàng Quốc Việt ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên ban lãnh đạo Cải cách Ruộng đất trung ương, phụ trách Cải cách ở Thái Nguyên đến báo cáo với Hồ Chí Minh ý kiến của cố vấn. Hồ Chí Minh hứa với Hoàng Quốc Việt sẽ nói với Trường Chinh, Trưởng ban chỉ đạo trong cải cách ruộng đất nhưng ông không làm.[10] Hơn nữa, Hồ Chí Minh đã giữ im lặng vì sợ gây mâu thuẫn với cố vấn Trung Quốc.[14][15] Hồ Chí Minh nói: "Không ổn! Không thể mở đầu chiến dịch bằng cách nổ súng vào một phụ nữ, mà người phụ nữ ấy lại là người từng nuôi cán bộ cộng sản, là mẹ một trung đoàn trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đang tại chức !". Cũng theo hồi ký của Hoàng Tùng thì: "Chọn địa chủ Nguyễn Thị Năm để làm trước là do có người mách cho cố vấn Trung Quốc". Họp Bộ Chính trị Hồ Chí Minh nói: "Tôi đồng ý người có tội thì phải xử thôi, nhưng tôi cho là không phải đạo nếu phát súng đầu tiên lại nổ vào người đàn bà, mà người ấy lại giúp đỡ cho cách mạng.", "Người Pháp nói không nên đánh vào đàn bà, dù chỉ đánh bằng một cành hoa".[16] Sau cố vấn Trung Quốc là La Quý Ba đề nghị mãi, Hồ Chí Minh nói: "Thôi, tôi theo đa số chứ tôi vẫn cứ cho là không phải", và họ cứ thế làm.[16]

Trong hồi ký Làm người là khó, Đoàn Duy Thành, phó thủ tướng giai đoạn 1982-1990 viết: "Khi chuẩn bị bắn Nguyễn Thị Năm, Bác Hồ đã can thiệp, Bác nói đại ý "Chẳng lẽ Cải cách Ruộng đất không tìm được một tên địa chủ cường hào gian ác là nam giới mà mở đầu đã phải bắn một phụ nữ địa chủ hay sao ?" Nhưng cán bộ thừa hành báo cáo là đã hỏi cố vấn Trung Quốc và được trả lời "Hổ đực hay hổ cái đều ăn thịt người cả !" Thế là đem hành hình Nguyễn Thị Năm".[17]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nguyễn_Thị_Năm http://vi.scribd.com/doc/6249263/Hoi-Ky-Doan-Duy-T... http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/LandReform/... http://www.talawas.org/?p=24539 http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=564... http://www.baotanghochiminh.vn/Chitiettimkiem/tabi... http://www.baotanghochiminh.vn/TabId/495/ArticleId... http://antg.cand.com.vn/82797.cand http://antg.cand.com.vn/vi-vn/phongsu/2014/4/82776... http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/viet-nhan... http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-bin/baochi?a=q...